BÀI CẬP NHẬT
recent

[Phong tục] Tục thờ Mẫu của người Việt

[Phong tục] Tục thờ Mẫu của người Việt

Thờ Mẫu là hiện tượng phổ biến và có nguồn gốc từ lâu đời ở Việt Nam. Khởi nguồn từ sự biết ơn người đàn bà – Người mẹ trong nhận thức thuở hoang sơ của con người.




Người Việt từ thuở nguyên sơ đến nay có một tín ngưỡng thờ Mẹ. Mọi vinh quang, trách nhiệm đều quy về người Mẹ (Cái). Mẹ quê hương (ai đi xã đều hướng về quê Mẹ), đất Mẹ, Mẹ Tổ quốc, Mẹ Việt Nam anh hùng; còn trách nhiệm cũng rất nặng nề: Con dại cái mang, con hư tại mẹ; rồi sông cái, đường cái, con cái; khi ốm đau, gian khổ cũng kêu tên Mẹ…


Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và tôn vinh và thờ phụng những vị Nữ thần gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, sinh ra, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người như: trời, đất, sông, nước, rừng núi …Ngoài ra, nhân dân ta còn thờ những Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa, những người mẹ khi còn sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất về phù hộ cho người an, vật thịnh ..

Thờ Mẫu của người Việt không chỉ là sự tôn thờ người mẹ có công lao vô cùng to lớn mang nặng đẻ đau, sinh ra, nuôi dưỡng và che chở cho con mà còn là khát vọng, niềm tin mãnh liệt vào quyền lực, năng lực thiêng liêng che chở cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thoát khỏi thiên tai, địch hoạ…v.v

Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành mạch nguồn không thể thiếu trong tổng thể nền văn hoá chung, thể hiện khát vọng về sự che chở, bao bọc và yêu thương vô bờ bến về tình mẫu tử của người Việt.

Hiện nay, theo các cứ liệu đã thống kê được ở Việt Nam có hơn 75 vị Thần nữ tiêu biểu, trong đó có ba vị Nữ thần tồn tại trong truyền thuyết như ba chị em, con của Thượng đế giáng trần được phân công cai quản ba miền: Miền Bắc với sự nổi trội của Chúa Tiên (Thánh Mẫu Liễu Hạnh – Vân Cát Thần nữ), miền Trung với Thiên Y A NA Diễn Phi Chúa Ngọc (Tiếp biến của Nữ thần Ponagar – Người Mẹ đất nước – Mẹ xứ sở dân tộc Chăm) và miền Nam với Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen hay còn gọi là Bà Thâm, Bà Đanh, Đênh) tất cả đang cư ngụ trong lòng tin của tín đồ thờ Mẫu hiện nay ở Việt Nam.

Người dân Đại Việt xưa đều thờ: Tam toà Thánh Mẫu. Tục thờ Mẫu của người Việt ra đời trên cơ sở tục thờ nữ Thần; các vị được thờ trong các đền, chùa, miếu, điện, đặc biệt có vị được thờ trong một loại hình kiến trúc riêng (Phủ) như việc thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Trải qua chiều dài lịch sử lâu đời ở nước ta, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển có Tam Phủ, Tứ Phủ. Trong làng xã và đô thị miền Bắc từ xã xưa trong hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ đều thờ các Thánh Mẫu rất tôn nghiêm. Mẫu Thượng Thiên (còn gọi là Mẫu Đệ Nhất) cai quản miền trời và làm chủ mây mưa, sấm chớp; trong điện thờ thường đặt ở giữa, mặc áo màu đỏ hoặc hồng. Mẫu Thượng Ngàn (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị) cai quản miền rừng núi, cây cối; trong điện thờ thường đặt ở bên trái Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu xanh. Mẫu Thoải (còn gọi là Mẫu Thuỷ, gọi chệch là Mẫu Thoại – Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước; trong điện thờ thường đặt ở bên phải Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu trắng.

Với tư tưởng một chúa ba ngôi (nhất thể tam vị), nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật của triết học và thần học thì Mẫu là nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam. Điều đó có nghĩa là từ Mẫu Thiên mà hoá thành Mẫu Địa (Mẫu Thượng Ngàn) – thứ hai, rồi lại hoá thành Mẫu Thoải (Mẫu Thuỷ) – thứ ba, chính vì thế mới có tên là Tam toà Thánh Mẫu.

Nơi thờ Tam toà Thánh Mẫu – chúa tể Tam Phủ là Thiên phủ, Địa phủ, Thuỷ phủ gọi là Tam phủ. Vì Tam phủ thờ cả Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Ngủ vị quan lớn, Tứ vị chầu bà ..v.v. nên thường được gọi là Tam phủ cộng đồng hay Tứ phủ vạn linh; Phủ thứ tư là để thờ các vị thần linh khác (còn nữa). Một số tượng mẫu đẹp >> Xem tại đây

(Sưu tầm theo “Thánh Mẫu Liễu Hạnh” của tác giả Nguyễn Ngọc Trai, Nhà xuất bản Nghệ An).
* LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG SƠN ĐỒNG (Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) * Nguyễn Duy Quý: Chuyên tạc tượng Phật Thánh, Truyền thần và Chế tác đồ thờ cao cấp. * Điện thoại: 0902 025 088 * Email: duyquymonitor@gmail.com * Facebook: https://www.facebook.com/duyquy.nguyen.503
Đồ thờ đẹp Sơn Đồng

Đồ thờ đẹp Sơn Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.