[Phong tục] 8 đền chùa tấp nập doanh nhân đi lễ đầu năm
[Phong tục] 8 đền chùa tấp nập doanh nhân đi lễ đầu năm
Lễ chùa đầu năm đang trở thành thói quen của nhiều doanh nhân. Thậm chí rất nhiều người còn luôn trữ trong túi cuốn lịch vạn niên nhỏ hướng dẫn giờ nào làm việc gì, đi đâu thì tốt, khởi hành nên chọn hướng nào...
Nhiều doanh nhân thành đạt còn quan niệm rằng thường xuyên đi lễ tại một đền chùa được xem là linh thiêng nào đó, họ sẽ gặp nhiều may mắn và thành đạt hơn.
Dưới đây là một số ngôi đền, chùa thường được biết đến như là nơi lui tới của nhiều thương nhân vào mỗi dịp đầu năm:
Đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho (khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) từ xưa đã nổi tiếng là ngôi đền được nhiều người trong giới kinh doanh buôn bán tìm đến “vay vốn”. Vào những ngày đầu năm âm lịch, dòng người đổ về đền Bà Chúa Kho xếp hàng kéo dài hàng dài để sắp lễ, dâng hương.
Với mong muốn “vay” được tiền của Bà Chúa Kho để lấy vốn làm ăn kinh doanh trong năm mới và kiếm thật nhiều tiền cũng như kinh doanh thuận lợi, các thương gia, các nhà doanh nghiệp ai cũng cố khấn vái và đặt lễ được trước… mặt Bà. Có vậy Bà mới cho lộc, mới mở kho xuất tiền cho vay.
Đối với những người lên lễ Bà Chúa Kho nếu không vay tiền thì sẽ xin "lộc rơi lộc vãi". Tuy nhiên, cả hai hình thức đều phải đến tạ lễ vào cuối năm.
Đền Trần
Đêm 14 sang ngày 15 tháng Giêng hàng năm có cả nghìn người đổ về đền Trần để xin ấn. Thương tương truyền ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23-24h đêm 14. Thế nên để có được tấm ấn "xịn" in vào đúng giờ khắc vàng, nhiều người phải xếp hàng từ sớm, thậm chí phải có lời với ban tổ chức từ trước.
Dù chỉ đêm 14 tháng Giêng mới khai ấn đền Trần nhưng mới mùng 7, mùng 8 Tết, phủ Thiên Trường Nam Định đã tấp nập du khách thắp hương, vãn cảnh đầu xuân.
Đền Trần là công trình thờ tự có từ lâu đời, thờ 14 vị vua triều Trần. Thế nên, dù Đền Trần có hơn hai chục ngày lễ nhưng Lễ khai ấn là đại lễ được mong đợi nhất trong năm.
Yên Tử
Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch.
Với nhiều doanh nhân dù đây không phải là một ngôi chùa nổi tiếng về làm ăn nhưng là một nơi rất tốt để cầu an.
Khu di tích Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, Uông Bí.
Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính được biết đến như một nơi cầu may đầu năm yêu thích của nhiều người. Khi đi làm lễ cầu may đầu năm tại ngôi chùa này nhiều doanh nhân thường kết hợp với việc đi du lịch tại khu danh thắng Tràng An.
Chùa Bái Đính hiện đang nắm giữ rất nhiều kỷ lục: tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất, chuông đồng lớn nhất, chùa rộng nhất Việt Nam, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam…
Đền Chúa Thác Bờ
Đền nằm trong khu vực Thác Bờ giữa dòng sông Đà thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, đền thờ Chúa Thác Bờ bao gồm có đền Trình (đền Chúa) và đền Chầu (đền ông Chẩu). Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng nổi tiếng linh thiêng.
Lễ hội Đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng Giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ.
Đền Trình Chùa Hương
Đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, là ngôi đền nhỏ nằm ngay bên phải của dòng Suối Yến, cách bến đò khoảng 500m, thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Qua nhiều đời truyền lại, xa xưa đây chỉ là một ngôi đền nhỏ, thờ vị thần tướng đã có công đánh giặc Ân phù vua Hùng Huy Vương nhưng vô cùng linh thiêng. Hằng năm có rất nhiều du khách đến tham quan, cầu lộc, cầu may.
Chùa Bà
Tọa lạc trên núi Bà Đen, thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, tỉnh Tây Ninh, chùa Bà còn được biết đến với tên gọi chùa Phật, chùa Thượng...
Đây là một công trình lớn, thu hút rất nhiều khách thập phương, trong đó có không ít người làm ăn buôn bán về thăm viếng, thắp nhang khấn Phật mỗi dịp gần Tết. Vào những ngày đó, từ ngay dưới chân núi, đoàn người đã lũ lượt, chen chúc nhau để lên chùa.
Chùa Ông
Chùa Ông, hay còn được gọi là miếu Quan Đế, Nghĩa An Hội Quán là ngôi chùa rất nổi tiếng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5). Nơi đây có đông đúc người Hoa sinh sống nhưng cũng có không ít người Việt thờ phụng ngôi chùa này.
Nhiều người đến đây khấn vái đều truyền miệng nhau về sự linh thiêng của chùa, và lời đồn cứ thế đồn xa.
* LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG SƠN ĐỒNG (Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) * Nguyễn Duy Quý: Chuyên tạc tượng Phật Thánh, Truyền thần và Chế tác đồ thờ cao cấp. * Điện thoại: 0902 025 088 * Email: duyquymonitor@gmail.com * Facebook: https://www.facebook.com/duyquy.nguyen.503